50 năm di chúc, 60 năm di nguyện Hồ Chí Minh vì khát vọng dân tộc hùng cường

Thứ năm - 29/08/2019 11:28 4.392 0
Tròn nửa thế kỷ Hồ Chí Minh đi xa, là tròn nửa thế kỷ người Việt Nam nhớ lời thơ trong Di chúc của Người rằng: “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, đó là “một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
50 năm di chúc, 60 năm di nguyện Hồ Chí Minh vì khát vọng dân tộc hùng cường

Tròn nửa thế kỷ Hồ Chí Minh đi xa, là tròn nửa thế kỷ người Việt Nam nhớ lời thơ trong Di chúc của Người rằng: “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, đó là “một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

 

 

Từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, khi 50 người con theo mẹ lên non, 50 người con theo cha xuống bể thì người Việt đã khẳng định dân tộc mình có non, có nước nên người Việt gọi Tổ quốc mình là ĐẤT NƯỚC. Như vậy Tổ quốc của người Việt đã có hai phần, phần đất gồm đất liền, núi non và phần nước gồm sông, bể, tức là Biển cả. Người Việt yêu trọn đất nước của mình, nên bất kỳ kẻ nào đến dòm ngó bờ cõi đều bị đánh đuổi để giữ trọn vẹn dải đất hình chữ “S” trao truyền cho thế hệ hôm nay và lớp lớp thế hệ mai sau.

Lẽ tự nhiên, đất liền, núi non nước Việt có địa hình, thổ nhưỡng… đó là nơi để trồng cây, canh tác, làm nông nghiệp. Với sự tài hoa của mình, từ thời tiền sử, người Việt Nam đã trồng lúa nước, tiếp nối các thế hệ thực hành, dân tộc Việt tự viết lên cho mình nền văn minh lúa nước. Là người Việt Nam yêu nước, Bác Hồ Chí Minh hiểu về nền văn minh của nước mình, Người từng nói: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc... Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, và “Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp” hay “Muốn phát triển kinh tế, nhất định phải lấy nông nghiệp làm nền tảng”. Dẫu Người nói điều này cách đã nhiều năm, đất nước nay cũng đã qua thời “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”, đang chuyển mình để cơ bản thành nước công nghiệp, hiện đại, nhưng khi Việt Nam đã ngót trăm triệu đồng bào nhưng người Việt ở đô thành mới chiếm hơn 1/3 dân số thì lời của Hồ Chí Minh dạy vẫn còn nguyên ý đó, là nông nghiệp ta mạnh, nông thôn ta giầu thì gần 2/3 dân nước mình giầu.

 

 

Là quốc gia người đông, đất chật, đất của Việt Nam có hạn, từng tấc đất của non núi, từng cánh “rừng vàng”, từng thửa ruộng, góc vườn đồng bằng đã được lớp lớp người Việt khai phá để trồng cây, làm chuồng trại chăn nuôi, đào ao thả cá cho giang sơn đẹp như gấm vóc hôm nay. Để dân tộc phát triển vững bền, người Việt có lẽ phải hướng ra mênh mông “biển bạc”. Không phải chỉ trong truyền thuyết và trong sử sách, một lẽ tự nhiên rằng, khi cơ thể mỗi con người chúng ta có hơn 2 phần là nước; khi cả quả địa cầu của chúng ta có hơn 2 phần diện tích là đại dương, là nước thì hơn 2 phần nước Việt cũng là nước, là biển cả, khơi xa. Với du lịch, hàng hải, thủy sản, khoáng sản… Biển Việt Nam có tiềm năng kinh tế lớn hơn phần đất liền, non núi. Nên Việt Nam từ thế kỷ 21 này cần trở thành quốc gia mạnh giầu từ biển. Như lời dạy của Hồ Chí Minh về một đất nước không chỉ có độc lập, thống nhất, mà phải có “hòa bình”; người Việt Nam hiểu, để làm giầu không phải lúc chiến tranh, và sức mạnh chỉ do hòa bình đem lại. Do vậy, Người Việt quyết chọn con đường giữ vững hòa bình trên biển, để mạnh lên từ biển. Tuy nhiên, trong “ứng vạn biến” để giữ lấy hòa bình, người Việt Nam vẫn kiên cường “dĩ bất biến” về chủ quyền biển đảo. Bởi nếu có hòa bình, nhưng biển không còn là của Việt Nam ta nữa, thì người Việt không thể giầu mạnh lên từ biển ấy, từ biển không phải của nước mình.

 

 

Nhưng “rừng vàng, biển bạc” cũng chẳng khiến Việt Nam tự trở lên giầu mạnh. Nhật Bản là dân tộc chẳng tuyên bố có rừng vàng hay biển bạc, nhưng lại đang là một quốc gia giầu mạnh chính là minh chứng về điều này. Nhưng không chờ bài học Nhật Bản, bậc vĩ nhân Hồ Chí Minh từ ngót ba phần tư thế kỷ trước đã Viết thư dặn con cháu Người rằng: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm Châu hay không, phần lớn nhờ công học tập của các cháu”. Như vậy, cơ đồ Việt Nam phải do những người Việt Nam được học hành, được đào tạo tạo dựng lên.

Với nền văn minh Sông Hồng, người Việt hôm nay có thể tự hào về một trong số các nền văn minh lớn của thế giới; Với đôi ba danh nhân văn hóa thế giới, người Việt có thể tự hào về sự tài hoa trong văn chương thi họa; với việc người Việt được ghi tên vào phát minh ra phương tiện bay đầu tiên trên thế giới, đặc biệt với một số tên tuổi nhà khoa học được ghi danh trong Từ điển Bách khoa hay được ghi nhận là những bộ óc vĩ đại của thế giới, của nhân loại… thì người Việt Nam cũng có thể tự hào về khả năng sáng tạo của mình. Nhưng thực tế thì chỉ số sáng tạo của người Việt Nam còn thấp, đóng góp trong giá trị gia tăng phát triển từ đổi mới sáng tạo của Việt Nam chưa cao; khi kinh thế giới chuyển sang nền kinh tế tri thức và tới gian đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì người Việt Nam cũng phải biết cách dấn thân vào khoa học; đổi mới sáng tạo để phát triển bền.

 Công nghiệp 4.0 không trừ một ngành nào, gồm cả ngành nông nghiệp. Thông qua công nghiệp 4.0 cây trồng, chuồng trại chăn nuôi, đầm hồ thủy sản… năng suất hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Nhưng công nghiệp 4.0, cũng như “rừng vàng” hay “biển bạc”, tự nó không đem lại sự giầu mạnh cho Việt Nam mà phải được nắm bắt và thực hiện bởi con người. Sứ mạng này đặt ra trước hết cho các đại học, trường đại học, nơi đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao; nơi ươm tạo, phát hiện, phát triển khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Các đại học và trường đại học phải thực sự là cái nôi của đổi mới sáng tạo, của việc tạo ra tri thức mới đưa vào sản xuất, thúc đẩy sự phát triển của đời sống.

 

 

Khi nước Mỹ, nước Nhật, với vài ba triệu nông dân nhưng tạo ra lượng nông sản nuôi sống vài trăm triệu người dân nước họ; Hay từ Hà Lan, với chỉ vài ba triệu lao động đã đem dòng sữa tới hàng tỷ người trên trái đất là gợi ý tốt cho công nghệ sản xuất thời đại 4.0 ở Việt Nam. Việt Nam có nhiều thế mạnh với gạo, cà phê, tiêu, điều, cao su hay gần đây là cá ba sa, tôm… xuất khẩu, ngoài ra, còn nhiều tiềm năng khác từ hoa trái miệt vườn, rau củ thôn quê, cá, thịt, trứng… đều có thể vượt biên giới nước Việt, đem hương vị của vùng nhiệt đới đến khắp năm Châu. Nhưng, thực tế, chúng ta lại chưa có mặt hàng nào được “phủ sóng” trên thế giới như họ. Với tinh hoa người Việt, với trời của ta, đất của ta, với rừng vàng, biển bạc… công nghiệp 4.0 sẽ biến Việt Nam thành một nền kinh tế và xã hội số, tạo môi trường tốt nhất cho đổi mới, sáng tạo. Các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận Sandbox của các start – ups trong các đặc khu công nghệ, đặc khu đổi mới sáng tạo trên khắp Việt Nam sẽ khơi nguồn cho những sản phẩm mang danh MADE IN VIETNAM đi khắp toàn cầu.

Lẽ tự nhiên, dù thời đại công nghiệp 4.0 hay bất cứ thời đại hay nền văn minh nào thì lịch sử vẫn là một dòng chảy với sự nối tiếp của các thế hệ. Vậy thì thế hệ nắm giữ chìa của của thời đại công nghệ 4.0 hiện nay là những người bạn trẻ thế hệ 9x, 10x và sau nữa. Thế hệ mà theo Hồ Chí Minh thì: “nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ” nên cần được giáo dục, đào tạo “thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên"”. Thế hệ này hiện đang học tại các đại học, trường đại học của Việt Nam và trên thế giới. Sức sáng tạo vô biên của người trẻ tuổi, năng lượng, ý chí và nghị lực đủ lớn của tuổi thanh xuân, được trao truyền bởi những bậc thầy cô nhiệt huyết, của những nhà khoa học với kho tri thức sống động… sẽ cộng hưởng rồi lan tỏa mạnh mẽ.

 

 

Tròn 60 năm trước, trong buổi nói chuyện với thầy trò Học viện Nông - Lâm, nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, từ gợi mở về tầm quan trọng của ngành nông nghiệp nước nhà rằng: “Kinh tế tiến lên chủ nghĩa xã hội có hai ngành chính: công nghiệp và nông nghiệp, hoàn cảnh nước ta nông nghiệp bây giờ là chính. Nếu nông nghiệp không tiến bộ, công nghiệp cũng không tiến bộ”; Bác Hồ nhắc nhở: “Các cháu có tiến bộ so với trước nhưng chưa đủ, so với tương lai còn xa lắm, cho nên phải cố gắng nhiều”, “công việc của các cháu quan trọng, góp phần đưa kinh tế nước nhà tiến lên” và “Trường này đào tạo cán bộ để phục vụ phát triển nông nghiệp, các cháu tiến bộ đã đủ đáp ứng yêu cầu của nông nghiệp chưa?... Số học sinh so với yêu cầu của nông thôn ta hiện bây giờ chưa đủ”. Sau 60 năm thực hiện Di nguyện của Người, biết rằng tiến bộ chưa đủ, để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn là trọng tâm, để xây dựng Nông thôn Việt Nam mới và góp phần đưa kinh tế nước nhà tiến lên, thầy trò Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang cùng “đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi” trong việc “đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức mới trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; đóng góp vào sự phát triển nền nông nghiệp và hội nhập quốc tế của đất nước”. Như cách mà những chàng trai U23 viết lên lịch sử từ trái bóng tròn trên sân bóng khắp Asian và châu lục, tuổi trẻ Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang cùng tuổi trẻ cả nước nối tiếp người Việt xưa với giấc mơ chàng Thánh Gióng vươn vai lớn mạnh bằng giấc mơ mới về một đất nước hùng cường, một con Hổ Asian, một con Rồng châu Á. Đây cũng là cách để Việt Nam “góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như lời Bác Hồ để lại trong bản Di chúc của Người tròn nửa thế kỷ qua.

 

 

Tác giả bài viết: Ban CTCT-CTSV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay1,131
  • Tháng hiện tại35,089
  • Tổng lượt truy cập1,801,289
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây