Nhóm nghiên cứu từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang nghiên cứu các biện pháp giảm phát thải và tính toán lượng tín chỉ carbon tiềm năng trong canh tác lúa để áp dụng quy mô lớn.
Lúa là một trong ba lương thực quan trọng nhất trên thế giới, cung cấp thực phẩm cho hơn một nửa dân số toàn cầu. Năm 2022, diện tích canh tác lúa toàn cầu là hơn 165 triệu ha, với sản lượng đạt 776,5 triệu tấn. Ở Việt Nam, diện tích lúa đạt khoảng 7,1 triệu ha, sản lượng hơn 42,7 triệu tấn, đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hàng đầu.
Tưới ngập liên tục làm tăng nhu cầu sử dụng nước và phát thải khí mê-tan (Ảnh: V. D. Hoàng) |
Tuy vậy, lúa nước cũng phát thải đáng kể khí nhà kính, đặc biệt là mê-tan (CH4). Trong canh tác lúa truyền thống, việc duy trì mực nước ngập liên tục trong hầu hết thời gian canh tác lúa đã tạo môi trường yếm khí trong đất. Khí CH4 là sản phẩm cuối cùng của quá trình phân giải các chất hữu cơ như phân bón hữu cơ, tàn dư rơm rạ, rễ cây chết,… bởi vi sinh vật trong điều kiện thiếu oxy. CH4 sinh ra trong đất phát tán vào khí quyển chủ yếu thông qua mô khí dẫn từ rễ lên lá lúa, và một phần nhỏ qua sủi bọt khí. Khí CH4 được cho là khí hiệu nhà kính ứng mạnh hơn 28 lần so với CO2.
Canh tác lúa giảm phát thải làm giảm đáng kể lượng khí mê-tan (Ảnh: V. D. Hoàng) |
Các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã sớm quan tâm và nghiên cứu về phát thải khí nhà kính trên lúa. Gần đây, việc nghiên cứu canh tác lúa giảm phát thải và tạo tín chỉ carbon càng được Học viện Nông nghiệp Việt Nam quan tâm nhiều hơn khi Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Vừa qua, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh vai trò của việc giảm phát thải carbon trong sản xuất nông nghiệp và thị trường tín chỉ carbon. GS.TS. Nguyễn Thị Lan đã đề xuất: (1) cần tuyên truyền sâu rộng tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon. Giao các trường đại học, học viện xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức, cung cấp các nghiệp vụ cơ bản về giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, sinh viên đại học và học sinh phổ thông; (2) nghiên cứu sâu sắc tác động quy định của một số quốc gia đến việc xuất khẩu nông sản, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; (3) xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, các chính sách hấp dẫn để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia thị trường carbon vừa để phát triển bền vững, vừa làm gia tăng giá trị ngành nông nghiệp.
Kiểm tra mực nước trên đồng ruộng trong hệ thống canh tác lúa giảm phát thải (Ảnh: V. D. Hoàng) |
Từ năm 2023, TS. Vũ Duy Hoàng và cộng sự trong nhóm nghiên cứu ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu các biện pháp canh tác giảm phát thải và tính toán lượng tín chỉ carbon tiềm năng tạo ra trong canh tác lúa. Kết quả cho thấy, chỉ riêng việc áp dụng triệt để các biện pháp tưới tiết kiệm nước đã làm giảm đáng kể lượng nước tưới, giảm phát thải khí mê-tan đến 50%, có thể quy đổi thành tín chỉ giảm phát thải carbon. Thị trường tín chỉ carbon hiện nay đang rất sôi động và giá tín chỉ carbon trên thị trường thế giới cũng có xu hướng tăng. Với diện tích canh tác lúa nước lớn, nếu chúng ta có thể áp dụng đồng bộ các giải pháp và trên quy mô rộng, hoàn toàn có thể tạo ra số lượng lớn tín chỉ giảm phát thải carbon, là nguồn thu đáng kể phục vụ tái đầu tư cho cơ sở hạ tầng sản xuất lúa và nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Hơn thế nữa, thương hiệu gạo thân thiện với môi trường, gạo phát thải thấp cũng là lợi thế trong hệ thống canh tác này, tăng tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
TS. Vũ Duy Hoàng (bên trái), Phó GĐ Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, hướng dẫn sinh viên thu mẫu khí phát thải trên ruộng lúa (Ảnh: V. D. Hoàng) |
Trong thời gian tới, khi thị trường tín chỉ carbon dự kiến được vận hành thí điểm ở trong nước sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy người sản xuất tiếp tục chuyển đổi hệ thống canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa giảm phát thải, thân thiện với môi trường. Đây là cơ hội lớn cho người nông dân cũng như ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam, phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam về việc giảm phát thải khí CH4 và đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Nhóm nghiên cứu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật để có thể giảm nhiều hơn nữa lượng khí nhà kính phát thải và có thể áp dụng đồng bộ trên quy mô lớn, tạo tín chỉ carbon tối đa cho người trồng lúa.
Ý kiến bạn đọc