Hành trình du học của cựu sinh viên ngành Khoa học Môi trường

Thứ tư - 14/08/2024 05:58 103 0
Hành trình du học của cựu sinh viên ngành Khoa học Môi trường

Theo đuổi ngành Khoa học Môi trường tại Học viện Nông Nghiệp Việt Nam là bước đệm vô cùng quan trọng giúp Nguyễn Thị Hải Yến – cựu sinh viên K58 khoa Tài Nguyên và Môi Trường từng ngày hiện thực hóa ước mơ du học của mình.

Hành trình đến với Học viện Nông nghiệp Việt Nam không phải là ngẫu nhiên mà đã được Hải Yến quyết định khi làm hồ sơ dự thi đại học. “Đứng trước một quyết định quan trọng, rất nhiều bạn bè xung quanh em chọn các khối ngành kinh tế, y dược, đó gần như là xu hướng thời bấy giờ. Tuy nhiên, em muốn quyết định dựa trên mong muốn thực sự của bản thân, em đã đọc tài liệu và tìm hiểu về khoa cũng như ngành Khoa học Môi trường – Học viện Nông nghiệp Việt Nam và kiên định với lựa chọn của mình. Cuối cùng, em đã chính thức trở thành sinh viên ngành Khoa học Môi trường theo mục tiêu đã đề ra, bắt đầu chặng đường học tập khối ngành kỹ thuật từ đây” – Yến chia sẻ về hành trình trở thành sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Trong quãng thời gian sinh viên của mình, Hải Yến may mắn được tham gia thực tập và hỗ trợ các anh chị khóa trên làm nghiên cứu khoa học tại Bộ môn Hóa – khoa TN&MT từ năm thứ 2. Nhờ cơ duyên này, bạn đã có cơ hội được tiếp xúc thêm với công việc phòng thí nghiệm ngoài những giờ thực hành chính trong danh mục đào tạo.

 Hải Yến trong ngày bảo vệ khóa luận tốt nghiệp ngành Khoa học Môi trường

Tháng 8/2017, Hải Yến nhận bằng tốt nghiệp loại Khá - kết thúc hành trình 4 năm sinh viên đại học của mình. Vốn có ý định sẽ học tiếp lên cao học, song cũng như đa số các sinh viên khác, sau khi tốt nghiệp, các bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi áp lực kinh tế và Yến không phải là ngoại lệ, bạn đã xin đi thực tập để vào làm tại một công ty để có thể tự lập và lo cho cuộc sống cá nhân. Trong thời gian đi làm, Hải Yến luôn ấp ủ ước mơ du học của mình, bạn tranh thủ vừa làm vừa luyện thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, đồng thời tham khảo các chương trình học bổng cao học khối ngành môi trường.

Sau hơn một năm chuẩn bị và tìm kiếm các cơ hội, tháng 4/2019 Hải Yến đã có buổi phỏng vấn tại chỗ và thành công chinh phục học bổng toàn phần bậc thạc sĩ từ Đại học Quốc gia Incheon (INU) khi đoàn công tác gồm các giáo sư của trường về Hà Nội giới thiệu và mở đơn ứng tuyển. Tháng 9 cùng năm, Hải Yến chính thức đặt chân tới Hàn Quốc, bắt đầu khóa học Thạc sĩ và tiếp tục hành trình nghiên cứu khoa học của mình. Bạn tham gia nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giáo sư Kim F. Jeong và tham gia phòng thí nghiệm của Thầy với đề tại nghiên cứu chuyên sâu về màng lọc sinh học ứng dụng trong xử lý dung môi hữu cơ - một vấn đề môi trường rất phổ biến tại nhiều quốc gia hiện nay.

 Hải Yến và các sinh viên tham gia nghiên cứu của giáo sư Kim F. Jeong

 

Sau khi học tập và nghiên cứu được 1 kỳ, vào đầu năm 2020, dịch Covid ập tới làm ảnh hưởng sâu sắc tới học tập cũng như cuộc sống của các du học sinh nói chung, các vấn đề mua sắm vật tư nghiên cứu, đi lại thăm hỏi gia đình vào thời gian này cũng vô cùng hạn chế. Song đây cũng là động lực để bạn tập trung vào mục tiêu tốt nghiệp đúng hạn với một bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế - hoàn thành điều kiện tốt nghiệp của trường. Ngoài ra bạn cũng được khoa, trường tạo điều kiện để tham gia các hội nghị chuyên ngành trong nước tại các thành phố Incheon và Busan.

Tháng 8 năm 2021, sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ, cảm thấy dừng lại tại đây là chưa đủ, cùng với cơ hội học tập và nghiên cứu rộng mở tại INU cũng như sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè, sự chỉ bảo tận tình từ giáo sư hướng dẫn, Hải Yến quyết định sẽ tiếp tục chương trình Tiến sĩ.

Hải Yến tham gia EMS 2022 tổ chức tại Sorento, Naples, Italy 

Từ sự nỗ lực và cố gắng của bản thân, hành trình nghiên cứu sinh của Yến mở ra rất nhiêu cơ hội giao lưu và học tập. Tháng 11/2022, bạn nộp bản tóm tắt và được phê duyệt trở thành diễn giả tại hội nghị chuyên ngành kỷ niệm 40 năm thành lập Hiệp hội Màng châu Âu - EuroMembrane 2022 (EMS2022). “Lần đầu tiên được tham gia hội nghị với vai trò là diễn giả, em thực sự vừa vui mừng vừa lo lắng, không biết mình có trình bày lưu loát trong khoảng thời gian cho phép không, tiếng Anh của mình đã đủ để truyền đạt chưa, mình sẽ vượt qua phần hỏi và trả lời chứ. Thế rồi mọi chuyện cũng qua và em đã lĩnh hội được rất nhiều kiến thức bổ ích từ các giáo sư, nghiên cứu viên trong ngành, có cơ hội gặp gỡ và học hỏi từ các bạn sinh viên quốc tế và du học sinh Việt Nam tại hội nghị. Chính những trải nghiệm này đã giúp em có động lực trau dồi thêm kỹ năng nghiên cứu và ngoại ngữ” - Hải Yến chia sẻ.

Tháng 4 năm 2023, bạn vinh dự được đại diện sinh viên sau đại học của INU, phát biểu trong sự kiện Ngày Việt Nam tại Đại học Quốc gia Incheon với sự tham gia của lãnh đạo trường, Tham tán Khoa học công nghệ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Đoàn công tác Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng đông đảo du học sinh Việt Nam tại INU. Tháng 7 cùng năm, Hải Yến và các nghiên cứu sinh khác trong khoa cũng đã cùng tham gia hội nghị quốc tế tiếp theo về Màng lọc và Quá trình màng lọc – ICOM 2023 tổ chức tại Chiba, Nhật Bản, tại đây bạn tham gia trình bày nghiên cứu của mình bằng áp phích.

 Hải Yến (thứ nhất bên phải) và các sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hàn, Mỹ, Thái Lan gặp gỡ và giao lưu tại ICOM 2023
 Hải Yến tại AMS 14 được tổ chức tại Nam Kinh, Trung Quốc

Tháng 6/2024, Hải Yến đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, đánh dấu thành quả nghiên cứu của mình bằng ba bài báo khoa học quốc tế trong đó bạn là tác giả chính hai bài và đồng tác giả chính một bài cùng với một số bằng sáng chế khác. Tháng 7/2024, Hải Yến tiếp tục tham gia Hội nghị Hiệp hội Màng ASEAN lần thứ 14 – AMS 14 với tư cách diễn giả trình bày nghiên cứu. Sự kiện như lời tạm biệt của bạn đối với quãng thời gian nghiên cứu sinh tròn ba năm của mình.   

Từng có giai đoạn tự ti về thành tích học tập đại học và khả năng nghiên cứu của bản thân, song Hải Yến đã chứng minh rằng, với ý chí và nỗ lực trau dồi, rèn luyện, một ngày nào đó khi cơ hội đến, ta hoàn toàn có thể nắm bắt và bứt phá. Dù hành trình học tập và nghiên cứu chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt đối với các sinh viên khối kỹ thuật, nhưng cũng không có nghĩa là nó khô khan và toàn chông gai. Nhìn vào câu chuyện của Hải Yến, bên cạnh nghiên cứu khoa học, bạn đã cố gắng tận dụng cơ hội học hỏi, tham gia các hoạt động trong và ngoài Hàn Quốc, giúp hành trình cao học của mình thêm đa dạng và phong phú. Cuối cùng Hải Yến muốn gửi lời chúc tới toàn bộ các bạn sinh viên đã, đang và sẽ học tập tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam rằng: “Mình đã phần nào xác nhận câu nói “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”. Các bạn hãy luôn biết ơn bản thân và không ngừng cố gắng, từ đó khai mở những con đường để thực hiện ước mơ của bản thân nhé.”

                                                                   Khoa Tài nguyên và Môi trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay961
  • Tháng hiện tại31,738
  • Tổng lượt truy cập2,237,785
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây