Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Các trường thuộc Bộ NNPTNT hãy đào tạo sinh viên thành những con chim đại bàng sải cánh vươn xa

Thứ tư - 17/07/2024 05:17 128 0
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Các trường thuộc Bộ NNPTNT hãy đào tạo sinh viên thành những con chim đại bàng sải cánh vươn xa

Chia sẻ tại Chương trình Văn hóa đọc gắn với đổi mới sáng tạo do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 14/7, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan mong muốn các giảng viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng như các trường thuộc Bộ hãy đào tạo sinh viên thành những con chim đại bàng sải cánh vươn xa.

Không còn khoảng cách giữa vị tư lệnh ngành nông nghiệp và PTNT với các em sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể cho các em nghe câu chuyện ngụ ngôn của đại bàng và con gà để động viên tinh thần sáng tạo, đổi mới trong sinh viên:

“Ngày xưa, có một ngọn núi lớn, bên sườn núi có một tổ chim đại bàng. Trong tổ có bốn quả trứng lớn. Một trận động đất xảy ra làm rung chuyển ngọn núi, một quả trứng đại bàng lăn xuống và rơi vào một trại gà dưới chân núi. Một con gà mái tình nguyện ấp quả trứng lớn ấy.

Một ngày kia, trứng nở ra một chú đại bàng con xinh đẹp, nhưng buồn thay chú chim nhỏ được nuôi lớn như một con gà. Chẳng bao lâu sau, đại bàng cũng tin nó chỉ là một con gà không hơn không kém. Đại bàng yêu gia đình và ngôi nhà đang sống, nhưng tâm hồn nó vẫn khao khát một điều gì đó cao xa hơn. Cho đến một ngày, trong khi đang chơi đùa trong sân, đại bàng nhìn lên trời và thấy những chú chim đại bàng đang sải cánh bay cao giữa bầu trời.

"Ồ - đại bàng kêu lên - Ước gì tôi có thể bay như những con chim đó".

Bầy gà cười ầm lên: "Anh không thể bay với những con chim đó được. Anh là một con gà và gà không biết bay cao".

Đại bàng tiếp tục ngước nhìn gia đình thật sự của nó, mơ ước có thể bay cao cùng họ. Mỗi lần đại bàng nói ra mơ ước của mình, bầy gà lại bảo nó điều đó không thể xảy ra. Cuối cùng đại bàng cũng tin điều đó là thật. Rồi đại bàng không mơ ước nữa và tiếp tục sống như một con gà. Cuối cùng, sau một thời gian dài sống làm gà, đại bàng chết". 

 Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan giới thiệu một cuốn sách hay tới các sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 

 

 

Sau câu chuyện này, Bộ trưởng bất chợt hỏi các em sinh viên: "Các cháu muốn mình trở thành đại bàng hay con gà?", nghe được câu trả lời: "Muốn trở thành đại bàng" của các sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan giao nhiệm vụ cho Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Ban giám đốc và các thầy cô giáo hãy nỗ lực, cố gắng "đào tạo các em thành những con chim đại bàng sải cánh vươn xa".

Giới thiệu với các em sinh viên những cuốn sách bổ ích, Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh, mỗi cuốn sách chứa đựng những tri thức vô giá, đọc sách sẽ kích thích những ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp. 
Văn hóa đọc sẽ khơi nguồn cho những ý tưởng sáng tạo, tôi hy vọng Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ trở thành lá cờ đầu trong các đơn vị đào tạo thuộc Bộ NNPTNT phát huy văn hóa đọc cũng như thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo của sinh viên.

Đánh giá cao việc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhiều năm qua tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nhà trường và các trường THPT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói riêng, các trường cao đẳng, đại học thuộc Bộ NNPTNT tăng cường đào tạo các kiến thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho các em sinh viên, coi đó là một môn học chính thức chứ không chỉ là một hoạt động ngoại khóa.

"Các trường đại học cần tạo ra bầu không khí khởi nghiệp từ chính đội ngũ lãnh đạo, các thầy cô giáo, từ đó kích thích các em sinh viên phát huy những ý tưởng sáng tạo có thể nảy sinh bất cứ lúc nào, liên kết với các doanh nghiệp để từng bước thị trường hóa các ý tưởng khởi nghiệp", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

 GS.TS.Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, Học viện luôn coi khoa học là sức sống của trường đại học, chất lượng làm nên thương hiệu của Học viện.

 

 

 

Phát biểu tại Chương trình Văn hóa đọc gắn với đổi mới sáng tạo, GS.TS.Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, Học viện luôn coi khoa học là sức sống của trường đại học, chất lượng làm nên thương hiệu của Học viện. 

Học viện luôn coi trọng sự kết nối, chia sẻ, không ngừng đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt Học viện cũng rất quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, giảng viên trẻ.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện đã và đang xây dựng khoảng trên 30 phòng đọc, có khoảng 50.000 sách in, sách số, tạp chí và kết nối với 100 cơ sở dữ liệu, học liệu tiên tiến trên thế giới, mua quyền truy cập 13 CSDL trực tiếp; tổ chức nhiều câu lạc bộ sinh viên đọc sách, kêu gọi nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tặng sách về thư viện, các phòng đọc của Học viện. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan; PGS.TS Vũ Ngọc Huyên, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam trao đổi với sinh viên tại phòng chờ mới được hoàn thiện tại tòa nhà trung tâm. 

 

 

 

Chia sẻ về chương trình Văn hóa đọc gắn với đổi mới sáng tạo, em Lê Nguyễn Quỳnh Hương, sinh viên khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh (Học viện Nông Nghiệp Việt Nam) cảm thấy có rất nhiều cảm xúc, khi không còn khoảng cách giữa Bộ trưởng Bộ NNPTNT với các sinh viên.

"Ngành em đang theo học là một lĩnh vực rất hứa hẹn về cơ hội việc làm. Với nền kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu về chuyên gia kế toán và quản trị là rất lớn, đặc biệt là trong các doanh nghiệp và tổ chức.Học viện đã đầu tư khá nhiều vào cơ sở vật chất, như các phòng đọc, phòng chờ cho sinh viên, không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Điều này làm cho môi trường học tập và nghiên cứu của em trở nên thuận lợi và hiện đại hơn. Có sự tiếp cận tốt với các cơ sở vật chất này giúp em có thể học tập và nghiên cứu một cách hiệu quả hơn, đồng thời phát triển kỹ năng và khả năng sáng tạo của mình", Hương nói.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã bấm nút giới thiệu Không gian đổi mới sáng tạo thuộc Trung tâm Nghiên cứu xuất sắc và đổi mới sáng tạo nhằm kích thích sự sáng tạo, đổi mới sáng tạo của sinh viên.

Kết nối doanh nghiệp là hoạt động được Học viện Nông nghiệp Việt Nam đặc biệt ưu tiên thúc đẩy. Học viện đã hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp (Công ty CP Tập đoàn Pan Group, Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty CP CodeLovers Việt Nam, Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty CP Thực phẩm Đồng Giao, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Sunjin Việt Nam,…) trong đào tạo, thực hành, thực tập cũng như tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp.

Hàng năm, Học viện tổ chức Ngày hội việc làm với sự tham gia của từ 60 đến 100 doanh nghiệp, giải quyết nhu cầu thực tập tốt nghiệp, việc làm cho từ 4.000 đến 5.000 sinh viên. Theo kết quả khảo sát, trên 97% sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp hoặc tự khởi nghiệp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay2,187
  • Tháng hiện tại12,286
  • Tổng lượt truy cập2,218,333
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây