Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế: Từ lý luận đến thực tiễn

Thứ hai - 29/05/2023 01:21 1.611 0
Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế: Từ lý luận đến thực tiễn

Nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 16/6/2022 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đã nêu bật những thành tựu to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, đồng thời, khẳng định vị trí quan trọng của nông nghiệp: “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”. [1, 94]

Quan điểm của Đảng về vai trò “nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế” là sự kế thừa và phát triển lịch sử tư tưởng dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ xưa, dân ta đã có câu “dĩ nông vi bản”, nghĩa là lấy nông nghiệp làm gốc, làm cơ sở. Trong cuốn Bàn về chiến lược con người có trích dẫn quan điểm, tương truyền là của Lê Quý Đôn như sau: “Phi nông bất ổn, Phi công bất phú, Phi thương bất hoạt, Phi trí bất hưng” [9, 32], tạm hiểu là "không có nông nghiệp thì đất nước không ổn định, không có công nghiệp thì đất nước không thể giàu, không có thương mại thì xã hội không hoạt động, không có trí thức thì đất nước không hưng thịnh”. Quan điểm coi trọng vai trò của nông nghiệp đối với sự phát triển đất nước càng được thể hiện rõ nét và tập trung trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của nông nghiệp, theo Hồ Chí Minh, cần phải lấy canh nông là gốc của nền kinh tế, người nông dân và lĩnh vực nông nghiệp là một điểm tựa quan trọng, một cội nguồn của sự giàu mạnh, phát triển của dân tộc, của quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn.  Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” [2, 246]. Lý giải nguyên nhân vì sao phải lấy nông nghiệp là gốc, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân, muốn dựa vào nông dân ắt phải bồi dưỡng lực lượng của họ. Muốn nông dân có lực lượng dồi dào thì phải làm cho họ có ruộng cày, có cơm ăn, có áo mặc, có nhà ở” [3, 42]. Muốn có cơm ăn, áo mặc, nhà để ở đều cần dựa vào nông nghiệp. Nông nghiệp đảm bảo cho con người những điều kiện cơ bản nhất cho sự sinh tồn và phát triển. Trước hết, nông nghiệp đảm bảo nhu cầu có cái ăn để tồn tại, Người đã chỉ rõ: “Muốn nâng cao đời sống của nhân dân thì trước hết phải giải quyết tốt vấn đề ăn. Muốn giải quyết tốt vấn đề ăn thì phải làm thế nào cho có đầy đủ lương thực. Mà lương thực là do nông nghiệp sản xuất ra. Vì vậy, phát triển nông nghiệp là việc cực kỳ quan trọng” [4, 375]. Chính vì thế, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã đặt ra 6 nhiệm vụ cấp bách cho Chính phủ, trong đó, nhiệm vụ “chống giặc đói” được đặt lên hàng đầu, để làm được điều đó thì giải pháp lâu dài là tăng gia sản xuất, phát triển nông nghiệp. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu ăn, theo Hồ Chí Minh, việc tăng gia sản xuất, phát triển nông nghiệp không chỉ để nhằm đáp ứng nhu cầu ăn mà còn đáp ứng nhu cầu về mặc. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “nếu chú trọng lương thực mà không có bông thì tức là có ăn chứ chưa có mặc. Mình có cần mặc không? Cần. Nếu không toàn diện, tức là chú trọng cái ăn chứ chưa chú trọng cái mặc. Thế cho nên, vừa phải chú trọng cái ăn, vừa phải chú trọng cả cái mặc”[4, 255]. Đối với nhu cầu ở, nông nghiệp cũng góp phần quan trọng, theo Hồ Chí Minh: “Ăn, mình tăng gia sản xuất được. Mặc, mình tăng gia sản xuất được. Chứ còn nhà ở thì sao? Muốn làm nhà ở phải có cái gì? Gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây” [4, 255].

 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa - Nguồn: tuyengiao.vn

Khi khẳng định vai trò “là gốc” của nông nghiệp, Hồ Chí Minh còn đã đặt nông nghiệp trong mối quan hệ thống nhất hữu cơ với ngành kinh tế khác trong cơ cấu kinh tế quốc dân. Trong chỉnh thể nền kinh tế quốc dân, Người coi quan hệ công nghiệp - nông nghiệp là những trụ cột của nền kinh tế và Người diễn đạt bằng một hình ảnh rất sinh động và đầy sức thuyết phục: “công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khỏe và đi đều thì sẽ tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích”. Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở: “phải chú ý cả các mặt thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, giao thông, kiến trúc, văn hóa, giáo dục y tế…” bởi nông nghiệp chỉ có thể phát triển và thực hiện được vai trò của nó khi có sự tác động của các ngành khác. Vai trò là trụ đỡ của nông nghiệp đối với các ngành kinh tế thể hiện ở chỗ, nông nghiệp “cung cấp nguyên liệu, vật liệu để khôi phục tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp và cung cấp lâm thủy sản…” [5, 212], do vậy, Người tiếp tục khẳng định: “Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính. Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở để phát triển công nghiệp vì nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, lương thực cho công nghiệp và tiêu thụ hàng hoá của công nghiệp làm ra” [6, 635]. Không những vậy, sự phát triển của nông nghiệp sẽ cung cấp các nguồn lực quan trọng để “mở rộng quan hệ buôn bán với các nước ngoài”,  là điều kiện quan trọng để giải quyết nhiều vấn đề đối ngoại, vấn đề quan hệ quốc tế. 

Vai trò là “trụ đỡ” nền kinh tế của nông nghiệp đã và đang ngày càng được khẳng định trong thực tiễn phát triển đất nước. Nông nghiệp đang bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; chiếm 30% lực lượng lao động cả nước và chiếm tỷ trọng gần 12% GDP. Từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam hiện nay trở thành một trong những nước xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới [8]. Những năm gần đây, nông nghiệp ngày càng chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao; bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và tăng mạnh xuất khẩu. Trong giai đoạn từ 2008 đến 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,01%/năm, quy mô GDP (theo quy mô điều chỉnh, tính giá so sánh) toàn ngành tăng gấp 1,4 lần. Năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, gấp hơn 4 lần so với năm 2008. Quy mô xuất khẩu nông sản tăng bình quân 8,01%/năm; năm 2020 đạt 42,34 tỷ đô la Mỹ; năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD. Hiện nay, nông sản của Việt Nam có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ[9].

Ảnh minh họa, Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn 

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, “phi nông bất ổn” chưa bao giờ lại là chân lý vững chắc đến như vậy. Trong khi việc sản xuất, kinh doanh của các ngành nghề bị tác động nặng nề bởi đại dịch. Hàng ngàn nhà máy đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất, ngành Du lịch “đóng băng”… nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì, nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ước tính, năm 2021, sản lượng lúa đạt khoảng 43.52 triệu tấn, tăng 1.7% so với năm 2020; sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 5.67 triệu tấn, tăng 5.3%; sản lượng thủy sản đạt khoảng 8.6 triệu tấn, tăng 2.4%. Sản xuất nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia mà các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp dự ước cả năm 2021 đạt kế hoạch đề ra là 42.5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2.74% và đóng góp 23.54% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. [10]. Năm 2022 giá trị toàn ngành nông nghiệp tăng 3.36%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,88%; thủy sản tăng 4.43%, lâm nghiệp tăng 6.13%; tỷ lệ che phủ rừng trên 42.02%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành đạt 53.22 tỷ USD, tăng 9.3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8.5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế [11].

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay1,849
  • Tháng hiện tại25,413
  • Tổng lượt truy cập2,180,070
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây