Hội thảo “Đánh giá các ảnh hưởng tới chuỗi nuôi trồng thủy sản bền vững tại Việt Nam”

Chủ nhật - 29/09/2024 22:56 79 0
Hội thảo “Đánh giá các ảnh hưởng tới chuỗi nuôi trồng thủy sản bền vững tại Việt Nam”

Ngày 18/9/2024, Nhóm Nghiên cứu mạnh Cấu trúc xã hội nông thôn (Khoa Khoa học xã hội – Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA)) phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Vương quốc Anh (IDS) và Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU)) tổ chức Hội thảo “Đánh giá các ảnh hưởng tới chuỗi nuôi trồng thủy sản bền vững tại Việt Nam”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Đánh giá các ảnh hưởng tới chuỗi nuôi trồng thủy sản bền vững tại Việt Nam” thuộc Chương trình nghiên cứu liên ngành quốc tế năm 2024 do Viện Hàn lâm Khoa học Anh (British Academy) tài trợ. Hợp phần thứ nhất của Dự án được thực hiện từ tháng 4/2024 đến tháng 4/2025 với sự tham gia của các nghiên cứu viên thuộc IDS, VNUA (Nhóm NCM Cấu trúc xã hội nông thôn) và VNU.

Tham dự Hội thảo có TS. Ayako Ebata và các chuyên gia đến từ IDS, PGS.TS. Nguyễn Thị Diễn và các giảng viên/nghiên cứu viên thuộc nhóm NCM Cấu trúc xã hội nông thôn, TS. Võ Minh Vũ và các nghiên cứu viên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện các giảng viên, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế.

 PGS.TS. Nguyễn Thị Diễn – Nhóm NCM Cấu trúc xã hội nông thôn
 TS. Ayako Ebata - IDS

Thực tế đã cho thấy cách thức sản xuất, buôn bán và tiêu thụ thực phẩm là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề xã hội và môi trường như: sinh kế bấp bênh của những người dễ bị tổn thương trong chuỗi giá trị, tình trạng thiếu công bằng trong quan hệ lao động, tính thiếu bền vững về môi trường do hoạt động sản xuất lương thực... Dự án này sẽ cung cấp bằng chứng cần thiết nhằm cải thiện tính bền vững xã hội và sinh thái của chuỗi giá trị thực phẩm. Bằng việc nghiên cứu chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản công nghiệp và truyền thống ở Việt Nam, dự án sẽ xem xét các tác động của chúng đến phát triển bền vững – cụ thể là sinh kế của những người dễ bị tổn thương, sức khỏe cộng đồng và giá trị sinh thái môi trường.

Hội thảo đã nghe các tham luận đến từ đại diện các nhóm nghiên cứu tham gia Dự án. TS. Ayako (IDS) đã trình bày khái quát về ý nghĩa, mục tiêu, khung khái niệm của Dự án. Các mục tiêu cụ thể của Dự án được xác định rõ ràng, bao gồm: (1) đánh giá các ảnh hưởng mang tính lịch sử, xã hội và kinh tế tới sinh kế của những người dễ bị tổn thương dọc theo chuỗi giá trị thủy sản công nghiệp và truyền thống; (2) đánh giá sự tác động của các mối quan hệ quyền lực đến các hoạt động ở cấp vi mô, từ đó ảnh hưởng đến kết quả phát triển bền vững như sự mất ổn định về sinh kế, tình trạng sử dụng kháng sinh và tình trạng gây ô nhiễm của hoạt động nuôi trồng thủy sản...; (3) đánh giá chuỗi giá trị truyền thống và công nghiệp khác nhau như thế nào về mối quan hệ quyền lực và tác động của chúng đến kết quả phát triển bền vững. Phương pháp nghiên cứu định tính (do TS. Ayako trình bày) và nghiên cứu định lượng (do TS. Nguyễn Minh Khuê, đại diện nhóm nghiên cứu VNUA trình bày) dự kiến được sử dụng trong quá trình thực hiện dự án đã được phân tích tại Hội thảo. Đại diện cho nhóm nghiên cứu tại VNU, TS. Võ Minh Vũ làm rõ hướng tiếp cận mang tính lịch sử nhằm đóng góp góc nhìn xuyên suốt về chuỗi giá trị thủy sản và những biến đổi về giá trị xã hội, sinh thái theo thời gian.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao về ý tưởng và tính cấp thiết, tính thực tiễn của Dự án. Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với các ý kiến đóng góp đến từ TS. Jean-Michel Mortillaro – chuyên gia thuộc The French Agricultural Research Centre for International Development (CIRAD), TS. Gareth Haysom – chuyên gia thuộc Centre of Excellence in Food Security (CoE-FS); TS. Ben Belton – chuyên gia thuộc International Food Policy Research Institute (IFPRI), TS. Vidya Diwakar và TS. Gabriel Palazzo – chuyên gia thuộc IDS... Thảo luận xoay quanh các vấn đề: làm thế nào để so sánh một cách hiệu quả các chuỗi giá trị thủy sản khác loại (ngao và cá); làm thế nào để so sánh các chỉ số phát triển bền vững của các cơ sở nuôi trồng quy mô công nghiệp và quy mô hộ gia đình; sản xuất thâm canh có mối liên hệ như thế nào đến tính bền vững về kinh tế, sức khỏe cộng đồng và sinh thái; làm thế nào để lượng hóa khái niệm quyền lực trong chuỗi giá trị, v.v..

Một số hình ảnh trao đổi, thảo luận tại hội thảo:

 
 
 

Kết thúc Hội thảo, TS. Ayako Ebata, TS.Nguyễn Thị Diễn và TS. Võ Minh Vũ đã thay mặt các nhóm nghiên cứu tham gia dự án gửi lời cảm ơn các giảng viên, nhà khoa học đã tham gia và đóng góp ý kiến cho Hội thảo. Bên cạnh đó, các nhóm nghiên cứu bày tỏ mong muốn tăng cường trao đổi hợp tác với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong quá trình triển khai dự án để đạt được các mục tiêu mong đợi.

Nhóm Nghiên cứu mạnh Cấu trúc xã hội nông thôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay2,274
  • Tháng hiện tại38,061
  • Tổng lượt truy cập2,192,718
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây