Nông nghiệp Việt Nam: Nhân tố chủ chốt trong nền nông nghiệp toàn cầu

 Trang Vietnam-Briefing ngày 22/2 đã có bài viết đánh giá cao về nông nghiệp Việt Nam. Theo đó, nền nông nghiệp Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh và Việt Nam đang trở thành một nhân tố chủ chốt trong nền nông nghiệp toàn cầu.

Việt Nam đã được Liên hợp quốc chọn đăng cai tổ chức Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực thực phẩm bền vững vào tháng 4 năm nay. Sự kiện này sẽ tập hợp các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới thảo luận các giải pháp tốt nhất để phát triển hệ thống thực phẩm bền vững, lành mạnh và toàn diện.

Đồng thời, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng đã chọn Việt Nam là một trong ba quốc gia đầu tiên thí điểm thành lập Trung tâm Đổi mới Lương thực thực phẩm, một sáng kiến hướng đến cải thiện tính bền vững trong sản xuất lương thực. Những điểm nhấn này cho thấy nông nghiệp Việt Nam ngày càng có vị thế tốt hơn trong ngành nông nghiệp toàn cầu.

Sự hỗ trợ lớn của chính phủ cho phát triển nông nghiệp

Theo Vietnam-Briefing, năm 2022, ngành nông nghiệp Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây, đạt 3,36%. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,88%, thủy sản tăng 4,43% và lâm nghiệp tăng 6,13%. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53,22 tỷ USD.

Hỗ trợ trực tiếp từ nước ngoài (ODA) đã đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).

Nông nghiệp Việt Nam: Ngôi sao đang lên trong sản xuất lương thực - Ảnh 1.

Ngành nông nghiệp Việt Nam đã nhận được sự công nhận trên toàn cầu. Ảnh: VNA.

Đến cuối năm 2022, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt 4 dự án ODA hoặc chủ trương đầu tư với tổng giá trị vốn vay là 840 triệu USD. Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với các doanh nghiệp chuẩn bị đề xuất 14 dự án mới với tổng vốn 3,2 tỷ USD. Năm 2022, ngành nông nghiệp cũng huy động được 300 triệu USD viện trợ không hoàn lại và phê duyệt 15 dự án trị giá 25 triệu USD cho các tổ chức phi chính phủ.

Với tiềm năng phát triển lớn, sự hỗ trợ của chính phủ và ít rào cản cho đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp Việt Nam, các nhà sản xuất nông sản nước ngoài có thể thấy còn nhiều cơ hội để tham gia và thúc đẩy ngành tiếp tục phát triển.

Về mặt chính sách, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về các cơ chế cần thiết để thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp và nông thôn là xương sống chính sách nhằm tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Nghị định này đã đưa ra nhiều ưu đãi mới cho các doanh nghiệp nông nghiệp, ví dụ như được miễn nộp một số loại phí; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong một số trường hợp và được chính phủ hỗ trợ trong một số hạng mục.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng dự thảo Chiến lược hợp tác quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030 với ba nhóm nhiệm vụ và giải pháp chính là chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ đối tác và huy động các nguồn lực bên ngoài.

Việt Nam đã tham gia và đang triển khai 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời tiếp tục đàm phán Hiệp định thương mại tự do mới với Israel, Canada. Những FTA này đã hỗ trợ lớn cho việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Ví dụ như với thị trường như Hàn Quốc, hơn 7 năm sau khi thực hiện VKFTA, Việt Nam đã trở thành thị trường cung cấp xoài lớn thứ ba cho Hàn Quốc, đạt 1,7 nghìn tấn. Con số này tương đương với 7,4 triệu USD.

Sau khi EVFTA hiện có hiệu lực, Việt Nam cũng đã trở thành nguồn cung cấp hạt điều lớn nhất cho EU. 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 98,97 nghìn tấn hạt điều sang thị trường châu Âu, trị giá 699 triệu USD. Con số này thể hiện mức tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng

Nông nghiệp vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, mặc dù phải đối mặt với những thách thức bao gồm: biến đổi khí hậu, lao động có tay nghề cao còn chưa nhiều và cạnh tranh gia tăng.

Tuy nhiên, những ưu đãi của chính phủ trong hỗ trợ ngành nông nghiệp cùng với một số lượng lớn các FTA đang mở ra nhiều thị trường nước ngoài cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.Quá trình này cũng mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng Việt Nam và thúc đẩy sự hợp tác trong nước và nước ngoài về phát triển nông nghiệp. Cụ thể, khi thị trường nông nghiệp rộng mở, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được tiếp cận nhiều mặt hàng nông sản hơn, giá cả đa dạng hơn và chất lượng tốt hơn. Do đó, chế độ ăn uống tốt hơn và chất lượng cuộc sống cũng được cải thiện hơn. Còn các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cũng gia tăng nhu cầu về tài chính, công nghệ từ bên ngoài để nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng sức cạnh tranh.

Có thể thấy, với cam kết mạnh mẽ của chính phủ trong việc thúc đẩy nông nghiệp và sự tham gia ngày càng tăng của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này, triển vọng cho ngành nông nghiệp Việt Nam là rất hứa hẹn.

Nguồn: https://toquoc.vn/nong-nghiep-viet-nam-nhan-to-chu-chot-trong-nen-nong-nghiep-toan-cau-20230224102203542.htm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay2,274
  • Tháng hiện tại37,979
  • Tổng lượt truy cập2,192,636
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây